CỎ VETIVER (Vetiverria zizanioides L.) ĐA NĂNG – ĐA DỤNG

                    VETIVER GRASS – DYNAMIC AND MULTIPURPOSE


ThS. Cao Xuân Tài, PGS. TS. Trịnh Xuân Vũ, PGS. TS. Bùi Xuân An,
ThS. Dương Thành Lam.



I. GIỚI THIỆU
Ô nhiểm môi trường, xói mòn, sạt lỡ, ngập lụt… là những vấn đề hết sức nghiêm trọng và nó đang trở thành thảm họa đối với cả nhân loại trên toàn thế giới. Mỗi năm có khoảng 11 triệu hecta rừng bị chặt phá thì ước tính một nữa diện tích đó cần phải thay thế đất nông nghiệp đã bị loại bỏ do xói mòn, sạt lỡ, mất màu mỡ và đồng thời hàng năm có hàng triệu hecta đất trồng màu mỡ có độ phì cao đã xuống cấp tầm trọng. Nguyên nhân đầu tiên của sự xói mòn, sạt lỡ, ngập lụt là do con người đã lấy đi lớp “phủ xanh” thực vật trên mặt đất. Đó là một trong những hậu quả nghiêm trọng của việc liên tục và gia tăng sử dụng quá mức tài nguyên đất của thế giới.
Ngày nay, với xu thế ngày càng phát triển không ngừng của các nước trên thế giới củng như ở Việt Nam. Đặc biệt là ở Tp. HCM, Bình Dương, Đồng Nai,... tình trạng ô nhiểm môi trường hiện nay đang là vấn đề cấp thiết, gây bức xúc cho người dân, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm nước tập trung chủ yếu tại các bãi chôn lấp rác, khu chế xuất, khu công nghiệp, bệnh viện, khu dân cư và các sông ngòi, ao hồ...
Được giới thiệu một loại thực vật đa năng đa dụng, bảo vệ hữu hiệu đất và nước trong nông nghiệp đó là cỏ Vetiver (Vetiverria zizanioides L.). Cỏ Vetiver còn được ứng dụng nhiều và rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhờ có những đặc tính sinh lý độc đáo và khả năng thích ứng trên mọi địa hình, điều kiện khí hậu khác nhau, lại hoàn toàn không có tiềm năng trở thành cỏ dại.
Cỏ Vetiver có tên khoa học là Vetiveria zizanioides (Linn) Nash, thuộc họ Graminea (Poaceae), tông Andropogoneae, tên chi Vetiveria bắt nguồn từ Vetiver. Theo các nhà thực vật học thì cỏ Vetiver là loài bản địa thuộc miền bắc An Độ, một số khác cho rằng cỏ này xuất xứ quanh Bombay nên người ta tạm kết luận là loài cỏ này sống ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới trên những đồng bằng Nam An, Bangladesh và Myanmar. Cỏ Vetiveria gồm 11 loài, trong đó chỉ có 2 loài được sử dụng trong hệ thống cỏ Vetiver đó là V. zizanioides và V. nemoralis, trong khi V. zizanioides được phân bố hầu hết ờ các vùng nhiệt đới thì V. nemoralis chỉ có mặt ở vùng Đông Nam Á. Còn ở Việt Nam thì cỏ Vetiver còn được gọi là cỏ Hương Bài hay Hương Lau được phân loại là V. zizanioides L. và được trồng nhiều ở Thái Bình, Nghệ An.


II CÁC ĐẶC TÍNH ĐẶC THÙ CỦA CỎ VETIVER
2.1 Đặc tính về hình thái

- Nhìn chung thì cỏ Vetiver rất giống như một bụi cỏ sả to, mọc thẳng đứng, thân xếp vào nhau tạo thành khóm dày đặc, vững chắc, chiều cao có thể tới 3m. Chồi ngọn thì nằm sâu dưới lớp đất mặt vài cm, đây là các mô tế bào đang phát triển. Do đó cỏ Vetiver thường mọc thành từng cụm.
- Thân lá mọc thẳng đứng, cứng, chịu được điều kiện ngập lũ cao trung bình 1-1,5m, thường thì khó phân biệt được thân và lá, phiến lá tương đối cứng, lá dài từ 40-90cm, rộng 4-10mm, lá nhẵn, mép lá nhám.
- Cụm hoa là chùy tận cùng, thẳng, dài 20-30cm, cuống chung lớn, phân nhánh nhiều. Bông nhỏ không cuống, là loại lưỡng tính, hình dẹt, bông rất nhỏ, bông có cuống là bông đực, cỏ Vetiver ít ra hoa, nếu có thì hoa thường bất thụ.
- Quả hơi dẹt.
- Rễ là đối tượng mà chúng ta quan tâm nhiều nhất, hệ rễ chính là cơ sở khả năng chống xói mòn của cỏ Vetiver, bộ rễ xốp, dày đặc, chắc, mạnh, mọc rất nhanh và rất nhiều về số lượng, rễ có thể ăn sâu xuống đất từ 3-5 mét, do đó có thể ngăn cản sự xói mòn cũng như khống chế sự dịch chuyển vật chất trên mặt đất, đồng thời giữ cho cây sống được qua thời kỳ hạn hán. Rễ cỏ Vetiver được ví như cái “nêm” cắm sâu vào lòng đất, không lung lay trước mưa bão hay lũ cuốn.
- Cỏ Vetiver không bò lan và thân rễ đan xéo nhau, khi trồng gần nhau thì cỏ Vetiver tạo thành một hàng hàng rào chắn phù sa và phân tán dòng chảy rất hiệu quả.


2.2 Đặc tính về sinh lý học
- Vetiver thuộc nhóm thực vật C4, sử dụng CO2 hiệu quả hơn theo con đường quang hợp bình thường. Điều lưu ý là hầu hết thực vật C4 chuyển hóa CO2 thành đường lại sử dụng rất ít nước, đây là một yếu tố giúp cây phát triển trong điều kiện khô hạn.
- Cỏ Vetiver không mẫn cảm với giai đoạn sáng, vẫn sinh trưởng và ra hoa quanh năm trong điều kiện nhiệt độ cho phép, cây cỏ này thích hợp nhất dưới ánh sáng, không chịu được bóng râm, nhưng một khi đã sống được trong bóng râm thì lại có thể tồn tại tới hàng chục năm. Nó có thể chịu được điều kiện ít sáng trong rừng cây cao su hoặc trong các khu rừng nhiệt đới.
- Hạt cỏ Vetiver ở trong điều kiện bình thường thì các hạt trưởng thành dần dần phát tán và hạt chỉ có thể nảy mầm khi gặp điều kiện tối thích (vùng đầm lầy nhiệt đới) nhưng sức sống kém. Hạt cỏ Vetiver rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường do vậy rất dễ mất sức sống, tỷ lệ nảy mầm thấp. Chính vì đặc điểm này mà chúng ta không cần lo ngại hạt cỏ sẽ phát tán và trở thành cỏ dại.
- Cụm hoa. Trong họ Poaceae thì cụm hoa là đặc điểm nhận biết quan trọng. Riêng đối với cỏ Vetiver thì lại dễ có sự nhầm lẫn, nhất là về chiều dài, rộng và màu sắc hoa.
- Hoa cỏ Vetiver là hoa lưỡng tính, thường đi thành từng cặp, mỗi cặp giống nhau về hình thức gồm một hoa có một cuống ngắn và một hoa không cuống, riêng phần cuối của cuống thì các hoa chụm ba. Hoa không có cuống lưỡng tính, phẳng theo chiều ngang, có gai ngắn và sắc. Mỗi hoa có hai nhụy cái, hai đầu nhụy cái như lông vũ, thường bị thoái hóa hoặc không bình thường. Hoa có hình nón, thuôn dài, oval, đỉnh hình nêm, rộng 1,5-2,5mm, dài 2,5-3,5mm. Mặt phía trên thô, có gai nhỏ, mặt dưới nhẵn.


2.3 Đặc tính về sinh thái học
Cỏ Vetiver thích ứng trong nhiều điều kiện, khí hậu, đất đai, địa hình…, chịu đựng và thích nghi nhanh với sự thay đổi khắc nghiệt của môi trường.
- Chịu được hạn hán trong nhiều tháng, sống được trong môi trường ngập lũ đến 45 ngày và trong biên độ nhiệt độ từ –140C đến 600C.
- Phát triển tốt trong vùng đầm lầy ngang mực nước biển cho đến vùng núi cao 2600m so với mặt biển, vùng có lượng mưa trung bình năm cực thấp khoảng 200mm hoặc rất cao khoảng 3000mm.
- Mọc và phát triển lại rất nhanh sau khi bị ảnh hưởng của hạn hán, sương muối, nước mặn, các hóa chất và độc chất trong đất.
- Chịu được ngưỡng biến động cao của pH đất từ 3-10,5.
- Sống và phát triển tốt trong đất nghèo dinh dưỡng, đất nhiễm phèn, ngập mặn, đất bị nhiễm kim loại nặng như Al, As, Cd, Cr, Cu, Pb, Hg, Ni, Se, Zn….
- Có thể hạn chế sự phát triển của tảo.
- Tinh dầu trong rễ có mùi thơm khỏe làm cho rễ không hấp dẫn đối với loài gặm nhấm và các loại côn trùng hại khác, nó còn ngăn chặn không cho chuột làm tổ gần hàng rào, lá cỏ cứng và sắc làm cho rắn không đến gần được.
- Không chịu được điều kiện bóng râm.


2.4 Đặc tính về di truyền.
Có hai loại cỏ Vetiver đang được sử dụng để bảo vệ đất là: Vetiverria zizanioides và V. nigritana. Loại V. nigritana có nguồn gốc từ Nam Phi và Tây phi và chủ yếu được sử dụng tại tiểu lục địa này. Có hai kiểu gen của Vetiveria zizanioides. Nhưng chỉ cò một loại là thích hợp để sử dụng trên toàn thế giới, do vậy để phân biệt được hai kiểu gen này là một điều rất quan trọng. Nếu chọn sai thì sẽ trở thành thảm họa và nảy sinh nhiều vấn đề tai hại về sau.
- Kiểu gen Bắc An Độ là loại cỏ hoang dại, chưa được thuần hóa, cỏ này cũng cho hoa và hạt hữu tính, rễ ăn nông, thích hợp với đất ẩm ướt, nếu không kiểm soát thì sẽ trở thành cỏ dại.
- Kiểu gen Nam An Độ, đã được thuần hóa. Đây chính là loại cỏ Vetiver đã được trồng hàng thế kỷ nay và được phân bố rộng rãi khắp các vùng nhiệt đới. Loại cỏ này cho hoa nhưng hoa bất thụ, cho hạt nhưng lại là hạt lép, không phát tán hoặc có sức sống rất kém, không thể nảy mầm, loại cỏ này nhân giống bằng phương pháp vô tính. Đây là loại cỏ được sử dụng an toàn nhất trong các lĩnh vực.


2.5 Hệ vi sinh vật trên cây
Đất đai ở vùng khí hậu nhiệt đới phần lớn là đất có nguồn gốc từ lớp đá mẹ cổ, nghèo dinh dưỡng, đặc biệt là hàm lượng đạm và lân rất thấp, đất bị acid hóa hoặc bị ngộ độc nhưng cỏ Vetiver vẫn tồn tại và phát triển bình thường mà không cần phải bổ sung thêm N hay P. Theo ORDPB (The Office of the Royal Development Projects Board) thì có khá nhiều vi sinh vật đất được phát hiện xung quanh bộ rễ cỏ Vetiver mà vi khuẩn và nấm là tiêu biểu. Các vi sinh vật xâm nhập vào mặt trên rễ, tạo thành những đường dẫn truyền dinh dưỡng nối đất và cây, rễ tiết ra polysaccharide là chất hữu cơ hòa tan giúp cho sự chuyển hóa sinh học của đất và sự thích nghi của cây. Vi sinh vật gắn liền với rễ cỏ Vetiver là các vi khuẩn cố định đạm, vi khuẩn hòa tan, các nấm rễ và các vi khuẩn phân giải cellulose…, sản xuất chất dinh dưỡng cho sự sinh trưởng phát triển và thúc đẩy các hormones sinh trưởng thực vật tác động trực tiếp lên Vetiver .
- Vi khuẩn cố định đạm: Hiện diện ở bề mặt rễ, trong các gian bào hoặc trong các tế bào rễ đã chết, nó có vai trò quan trọng trong việc cung cấp đạm cho cỏ Vetiver, sản xuất enzyme chuyển hóa N tự do thành N sinh học dưới dạng N-amonia cho cây hấp thu.
- Vi khuẩn điều hòa sự sinh trưởng cây: Chất điều hòa sinh trưởng là những chất hữu cơ ảnh hưởng đến quá trình sinh lý của cây trồng ở nồng độ rất thấp, chất điều hòa sinh trưởng cũng bao gồm những chất chuyển hóa từ vi khuẩn. Nhiều hormone thực vật được sản xuất từ các vi khuẩn cố định đạm như: Azotobacter, Azospillum, Bacilus và pseudomonas góp phần thúc đẩy sự phát triển và sự tái sinh của bộ rễ, đồng thời giúp cho cây kháng được bệnh hại.
- Vi khuẩn hòa tan lân: Một số vi khuẩn đất, đặc biệt là vi khuẩn thuộc họ Bacilus và Pseudomonas có khả năng chuyển hóa lân không hòa tan trong đất thành dạng hòa tan bằng cách chiết ra acid hữu cơ như acid formic, propionic, lactic, glycolic, fumaric, succinic. Các acid này làm giảm pH và thúc đẩy sự phân giải phosphate. Đất ở vùng nhiệt đới thường nghèo lân, do vậy mà các vi khuẩn này có vai trò rất quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của cỏ Vetiver.


2.6 Dầu Vetiver
Rễ cỏ Vetiver chứa một hàm lượng cao tinh dầu thực vật, hàng năm trên một hecta cỏ Vetiver có thể thu được từ 20-30 tấn rễ thơm dùng để chưng cất tinh dầu, làm nhang thơm, dầu gội đầu, nước hoa… Tinh dầu của cỏ Vetiver rất quý vì giữ được mùi thơm rất lâu, giá trị rất cao trên thị trường mỹ phẩm. Các công thức tinh dầu cỏ Vetiver như: -Vetivone, - Vetivone, khusimone, khusitone.


2.7 Sâu bệnh
Đối với cỏ Vetiver thì hầu như không bị côn trùng và sâu bệnh phá hại. Tuy nhiên tuỳ vào từng điều kiện khí hậu và vị trí địa lý ở mỗi nước mà có thể có côn trùng và bệnh hại nhất định.


2.8 Tiềm năng cỏ dại
Đối với cỏ Vetiver, việc sử dụng nó là một vấn đề cấp thiết để bảo tồn đất nước và bảo vệ môi trường, nhưng không phát triển thành cỏ dại trong môi trường địa phương đó. Do đó, điều quan trọng nhất là phải sử dụng đúng giống cỏ Vetiver bất thụ. Dựa vào những đặc tính và những kinh nghiệm ứng dụng của cỏ Vetiver của nhiều nước trên thế giới, ta có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng: “Cỏ Vetiver hoàn toàn không có tiềm năng trở thành cỏ dại”nếu chúng ta sử dụng đúng giống và đúng nơi có quyền cung cấp giống theo quy định.


III ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CỎ VETIVER NHƯ THẾ NÀO
- Khi trồng thành hàng sát nhau, cỏ Vetiver sẽ tạo thành một “Hàng rào chắn sinh học” với bộ rễ phát triển nhanh và mạnh giống như một cái nêm dài khoảng 3,5 đến 5 mét cắm sâu vào lòng đất được coi như là một nguyên liệu kỷ thuật, là một bức tường vĩnh cửu bảo vệ đất và nước.
- Rễ cỏ Vetiver rất khỏe, có sức căng và lực xoắn trung bình là 75Mpa tức bằng 1/6 độ căng của thép thô. Khi tạo thành một hàng rào thì cỏ Vetiver có tác dụng làm giảm tốc độ của dòng nước cũng như độ mở rộng của dòng chảy đồng thời giữ phù sa lại. Khi dòng chảy chậm lại, lực xói mòn sẽ giảm xuống đồng thời tăng thêm thời gian cho nước thấm vào đất và các chất xói mòn sẽ được hàng rào giữ lại. Vì thế một hàng rào hiệu quả sẽ làm giảm xói mòn đất, giữ độ ẩm cho đất và giữ phù sa lại trên mặt đất…


3.1 Công dụng cỏ Vetiver
Yếu tố cấu thành nên hệ thống cỏ Vetiver chính là việc dùng cỏ Vetiver cho các ứng dụng trong cũng như ngoài nông nghiệp, cùng với việc sử dụng cỏ khô là sản phẩm trong quá trình trồng cỏ để bảo vệ đất và nước nhằm tạo thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lợp nhà, dùng làm môi trường trồng nấm, làm vật liệu tủ gốc giữ ẩm cho cây trồng, làm thức ăn gia súc, làm nguyên liệu thô cho quá trình chế biến các sản phẩm công nghiệp, dùng tinh dầu chưng cất từ rễ để làm mỷ phẩm, thảo dược…


3.2 Tiềm năng ứng dụng công nghệ cỏ Vetiver và lợi ích ở Việt nam
Ở Việt Nam, tiềm năng ứng dụng công nghệ cỏ Vetiver rất cao. Để giúp ích cho các nghành công nghiệp nông thôn, cơ sở hạ tầng, tình trạng đất đai và vấn đề suy thoái môi trường thì công nghệ cỏ Vetiver sẽ được ứng dụng trong các lĩnh vực như sau:
3.2.1 Kỹ thuật sinh học
Là phương pháp sử dụng sinh vật mà chủ yếu là thực vật trên cơ sở kết hợp hài hòa các kỷ thuật thông thường để giải quyết các vấn đề xói mòn và ổn định các sườn dốc.
+ Ứng dụng trong lĩnh vực ưu tiên cao:
- Ổn định đường cao tốc, đường ray xe lửa: Sử dụng công nghệ cỏ Vetiver trong lĩnh vực này vì chi phí rất thấp chỉ bằng khoảng 15% của biện pháp kỷ thuật thông thường dùng bê tông hoặc tường đá, với kỷ thuật đơn giản, có hiệu quả cao nhất, dễ dàng duy trì biện pháp sinh học để ổn định các trụ chống, tường, cống, kênh tiêu. Đặc biệt đường cao tốc và đường ray xe lửa thường đi qua các đồi núi, đồng ruộng… là những nơi chảy có dòng chảy tập trung với lượng nước rất cao, do đó thường hay bị xói mòn và sạt lỡ rất nghiêm trọng.
- Ổn định đê điều: On định đê điều ven sông ở Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long để chống xói mòn và sạt lỡ do bảo, lũ lụt ở những vùng đê ven biển, những vùng đồng bằng thấp thường hay bị nước mặn xâm nhập khi bị thủy triều lên cao và bão. Khác với cây rễ lớn lúc sống có thể phá hại tường đê và lúc chết đi thì tạo thành đường hầm gây xói lỡ. Hệ thống rễ mảnh của cỏ Vetiver và đặc tính liên kết của nó làm cấu trúc tường vững bền lâu dài và đồng thời làm giảm tối đa sự xói mòn do lũ lụt. Cỏ Vetiver đã được sử dụng thành công để ổn định các tường đập ở Úc và Zimbabwe.
- Ổn định các thềm trên các sườn dốc: Nhằm tạo ra các luống trồng cây lương thực hoặc cây ăn quả có giá trị cao trên những vùng đất trước đây đốt nương làm rẫy nay đã thoái hóa. Khi trồng cỏ Vetiver ở sườn dốc thì cỏ sẽ phát triển thành một hệ thống chống chịu và phục hồi những khu đất bị xói mòn mạnh và làm giảm sự lan rộng xói mòn này trong thực tế.
- Ổn định Sông, kênh rạch, đường thủy: Sự lưu thông của tàu bè, thuyền máy trên các châu thổ sông chính, đặc biệt là châu thổ sông Mêkông thì thường tạo thành sóng và gây xói mòn và sạt lỡ rất nghiêm trọng. Do đó khi trồng cỏ Vetiver ở hai bên bờ sông, kênh rạch thì sẽ làm giảm sự xói mòn và sạt lỡ do sự lưu thông trên gây ra.
- Ổn định đất chua và kiểm soát xói mòn: Kiểm soát xói mòn và ổn định các rãnh thoát nước, các kênh, dòng nước bị đất chua như ở Bãi Sậy – Đồng Tháp ở châu thổ sông MêKông.
+ Bảo vệ đất Nông – Lâm nghiệp và nâng cao khả năng sản xuất.
Ngoài những lợi ích thông thường là cải tiến lĩnh vực cây trồng đạt được qua việc bảo tồn đất và nước ở những vùng có lượng mưa thấp. Công nghệ cỏ Vetiver còn có những ứng dụng đặc biệt sau đây trong một số nghành Nông nghiệp Nông thôn.
- Kiểm soát xói mòn do lũ lụt: Bảo vệ đất và vụ mùa khỏi thiệt hại do lũ lụt ở những vùng thường xảy ra lũ lụt và những vùng đất thấp.
- Đồng lúa: Cố định đê điều, kênh tưới tiêu, cải tạo đất chua và mặn.
- Đồng mía: Bảo vệ đất và giữ độ ẩm, giữ phân bón và hóa chất trong đất, ổn định các đê điều, kênh tưới tiêu, cải tạo đất chua và mặn.
- Các vườn cây ăn quả và vườn ươm cây công nghiệp: Duy trì nước ở vùng khô và bảo vệ đất ở các sườn dốc.
- Thảo nguyên, đồn điền, rừng: Cố định mương máng, cố định bờ suối, điều tiết dòng chảy và lan rộng dòng nước.
+ Bảo vệ cơ sở hạ tầng.
Việc áp dụng công nghệ cỏ Vetiver đã được công nhận và phổ biến trong lĩnh vực kỷ thuật sinh học. Sau đây là một số ứng dụng quan trọng:
- Bảo vệ trang trại và đường làng: Ổn định các con đường này để chống lại lũ lụt và thiệt hại giao thông.
- Bảo vệ đập nước, các kệnh tưới tiêu: Giữ vững các công trình bằng đất và các tường chắn bằng bê tông.
- Bảo vệ Ao ở trang trại và làng xóm: Lọc cạn để giữ lại bùn và rác từ các vùng xung quanh có thể gây ô nhiễm hoặc làm bẩn nước cung cấp.
- Bảo vệ hạ tầng cơ sở ở những vùng lũ lụt và vùng thấp. Ổn định đê điều, bờ sông, đường đắp qua các vùng bị ngập lụt, các kênh tưới, tiêu nước.
- Bảo vệ Ao hồ nuôi trồng thủy sản: Ổn định đường và bờ, giữ môi trường đất ẩm ướt để khử chất thải gây ô nhiễm.
3.2.2 Kỹ thuật Sạch – xanh
Là kỹ thuật dùng thực vật chủ yếu là cây trồng để làm sạch đất nhiễm độc và lọc nước bị ô nhiễm. Công nghệ cỏ Vetiver đưa ra biện pháp rất hữu hiệu, tự nhiên và chi phí rất thấp để kiểm soát hoặc làm giảm sự suy thoái và ô nhiễm môi trường trong những ứng dụng sau:
a. Cải tạo: Việc sử dụng một phương pháp nào đó, cơ giới hoặc sinh học để phục hồi đất xấu hoặc bị thoái hóa do các hiện tượng tự nhiên hoặc do quá trình canh tác. Các loại đất này bao gồm đất mặn, đất phèn, đất khô cằn, đất pha cát, đất ngập nước, đất sườn dốc, đất đồi…
b. Phục hồi: Việc sử dụng một phương pháp nhất định thuộc cơ giới hay sinh học để phục hồi đất hoặc nước bị ô nhiễm do sự tác động của con người. Sử dụng công nghệ cỏ Vetiver để làm giảm sự suy thoái và ô nhiễn các khu vực sau:
- Xử lý ở cửa sông: Xử lý nước thải đô thị như nước cống thải và nước do các cơn bão chứa chất tẩy rửa qua đất ẩm.
- Nước bẩn và ô nhiễm: Làm sạch và khử trùng nước bị ô nhiễm trong các đập, sông, suối, chất thải từ các nghành công nghiệp chăn nuôi tập trung, các trang trại nuôi heo, gia súc, gia cầm… và các nghành công nghiệp sản xuất có sự ô nhiễm kim loại nặng và sự phát triển cực mạnh của tảo.
- Các chất ô nhiễm nông nghiệp: Kiểm soát sự lan tràn các hóa chất nông nghiệp và phân bón bằng việc ngăn chặn các chất này ngấm vào nước.
- Các chất thải công nghiệp: Phục hồi đất đã bị thoái hóa và ô nhiễm để dừng việc lan tràn các chất độc ô nhiễm.
­- Chất thải đô thị: Khôi phục lưới lọc chất ô nhiễm.
- Các chất thải hầm mỏ: Phục hồi các mỏ sau khi khai thác xong và cải tạo các chất thải hầm mỏ.
+ Ngăn ngừa và làm giảm tác hại của các tai họa do thiên nhiên.
Các hiện tượng tự nhiên như: Thiên tai, bão lụt, động đất, núi lửa, ô nhiễm môi trường…đã gây ra những thiệt hại rất đáng kể về người và của trong đời sống con người của chúng ta mà chúng ta không thể phủ nhận rằng “Nguyên nhân chính là do con người gây ra”. Do đó con người phải có ý thức tự bảo vệ và tự cứu lấy chính mình. Khi ứng dụng công nghệ cỏ Vetiver thì có thể làm giảm nhẹ, ngăn ngừa được hậu quả và tai hại do các nguyên nhân trên gây ra như: Làm giảm nhẹ tai hại của các cơn bão, hiện tượng sạt lỡ đất đai, ngăn ngừa và làm giảm lũ lụt, phục hồi các cồn cát, làm giảm và chống hiện tượng cát bay cát chạy, bảo vệ cơ sở hạ tầng, ổn định đê điều, đập nước, giữ bờ sông, kênh tưới và tiêu nước, ao hồ nuôi trồng thủy sản, xử lý và làm giảm ô nhiểm môi trường…


IV KẾT LUẬN
- Từ những vấn đề trình bày ở trên, có thể nói rằng chúng ta có một loại thực vật rất đặc biệt có thể sử dụng như một công cụ hiệu quả, đơn giản, chi phí thấp để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường của chúng ta.
- Khi áp dụng công nghệ cỏ Vetiver thích hợp có thể tạo ra sự ổn định và bền vững trong sản xuất nông nghiệp và các sản phẩm nông nghiệp cần thiết khác và kiểm soát sự ô nhiễm môi trường đất và nước mà chúng ta đang sống.
- Mặc dù công nghệ cỏ Vetiver mới chỉ phát triển trong 12 năm qua, nhưng nó đã được cả thế giới công nhận. Hiệu quả của nó đã được chứng minh ở nhiều nước.
Do đó, điều mong muốn là có những kết quả tương tự ở Việt Nam khi có được sự quan tâm và áp dụng đúng.

 
 


Số lần xem trang: 3553
Điều chỉnh lần cuối: 03-10-2011

Trang liên kết

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : chín một ba bảy một

Xem trả lời của bạn !

logolink