Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mè

 

(Sesamum indicum)

 

 Tài liệu này có tại trang web Trường Đại học Cần Thơ

I          MỞ ĐẦU

1          Nguồn gốc

Nguồn gốc có từ Châu Phi. Có nhiều ý kiến cho rằng Êtiopi là nguyên sản của giống mè trồng hiện nay. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng vùng Afghan - Persian mới là nguyên sản của các giống mè trồng. Mè là loại cây có dầu được trồng lâu đời (khoảng 2000 năm trước công nguyên). Sau đó được đưa vào vùng tiểu Á (Babylon) và được di về phía tây - vào châu Âu và phía nam vào châu Á dần dần được phân bố đến Ấn Độ và một số nước nam Á Trung Quốc. Ấn Độ được xem như là trung tâm phân bố của cây mè.

Ở Nam Mỹ, mè được du nhập qua từ Châu Phi sau khi người Âu Châu khám phá ra ở Châu Mỹ vào năm 1492 (do Chritophecoloms người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha) đem mè đi bán.

2          Tình hình sản xuất

Trước thế chiến thứ hai, diện tích trồng mè từ 5 triệu ha vào năm 1939, đạt sản lượng 1,5 tấn trong đó Ấn Độ là quốc gia trồng nhiều nhất với diện tích 2,5 triệu ha, kế đó là Trung Quốc 1,2 triệu ha, Miến Điện 700.000 ha, Soudan 400.000 ha, Mehico 200.000 ha. Các quốc gia có diện tích trồng < 50.000 ha gồm: Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ouganda, Megéria.

Hiện nay, tuy với diện tích không nhiều mè đã được trồng khắp các châu lục trên thế giới.

Sản lượng mè hằng năm trên thế giới khoảng 2 triệu tấn.

Các vùng trồng chính:

- Châu Á : Sản xuất 55 - 60% sản lượng trên thế giới

- Châu Mỹ: 18 - 20%

- Châu Phi: 18 - 20%

Ngoài ra, Châu Âu và Châu Đại Dương cũng có trồng rãi rác nhưng không đáng kể.

Các nước trồng nhiều mè trên thế giới:

- Ấn Độ: Đứng đầu thế giới với sản lượng khoảng 4000.000 tấn/năm

- Trung Quốc nước sản xuất lớn thứ 2: 320.000 - 350.000 tấn.

            - Sudan (Châu Phi): 150 - 200 ngàn tấn.

- Mexico (Châu Mỹ): 150 - 180 ngàn tấn.

Các nước có sản lượng tương đối lớn khác là: Burma, Pakistan, Thailan (châu Á); Nigiêria, Tanazania, Uganda (Châu Phi); Colombia, Venezuela (Châu Mỹ).

Năng suất mè nói chung còn thấp. Năng suất bình quân thế giới chỉ khoảng 300 - 400 kg/ha.

Ở nước ta mè được trồng nhiều ở các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. Miền Đông Nam Bộ và Trung Bộ (riêng tỉnh An Giang, diện tích trồng mè hiện nay tăng lên đến 16.000 ha). Tại vùng Châu Phú An Giang, năng suất đạt từ 400 - 600 kg/ha. Nếu áp dụng biện pháp canh tác thích hợp, năng suất mè có thể đạt 1 tấn/ha. Ở Việt Nam, mè được trồng lâu đời nhất là ở Miền Bắc, nhưng diện tích không mở rộng được vì điều kiện khí hậu và đất đai không thích hợp cho cây trồng phát triển.

Hiện nay, diện tích mè không mở rộng được do tình hình xuất khẩu không ổn định và giá cả biến động so với các loại cây trồng khác.

3          Công dụng và giá trị kinh tế

3.1       Công dụng

a. Hạt mè

- Được sử dụng rất phổ biến để chế biến nhiều dạng thức ăn (kẹo mè, chè mè...). Trong dân gian, còn dùng mè để nấu cháo (nếp với mè) cho người mẹ cho con bú rất tốt.

b. Dầu mè

- Tiêu thụ nhiều nhất, dầu mè rất tốt, khác với các loại dầu khác là không bị oxy hóa nên nên không chuyển thành mùi khó chịu. Vì trong mè có chứa chất sesamol, ngăn cản quá trình oxy-hóa.

Trong kỹ nghệ, dầu mè sử dụng để bôi trơn máy móc cao cấp: máy bay, máy dùng trong khoa học kỹ thuật, dầu dùng để pha sơn, pha vecni rất tốt vì có màu láng bóng.

Trong y học, dùng để làm thuốc viên con nhộng. Dầu mè còn dùng trong mỹ phẩm, ở Ấn Độ, người ta còn dùng dầu mè để bôi vào tóc cho bóng mượt.

3.2       Giá trị dinh dưỡng

Mè có giá trị dinh dưỡng cao, trong hạt mè có chứa: 45 - 55% dầu, 19 - 20% Protein, 8 - 11% đường, 5% nước, 4 - 6% chất tro. Thành phần axit hữu cơ chủ yếu của dầu mè là 2 loại acid béo chưa no sau:

- Axit oleic (C18 H34 O2): 45,3 - 49,4%.

- Axit linoleic (C18 H32 O2): 37,7 - 41,2%.

            Nếu so sánh hàm lượng acid amin có trong bột mè và trong thịt, ta thấy các acid amin có trong bột mè gần tương đương với acid amin có trong thịt.

Sau đây là bảng phân tích thành phần dinh dưỡng có trong bột mè và trong thịt.

Acid amin

Bột mè %

Thịt %

Lysin

2,8

10,0

Triptophan

1,8

1,4

Methionine

3,2

3,2

Phenilatanine

8,0

5,0

Leucine

7,5

8,0

Isoleucine

4,8

6,0

Valine

5,1

5,5

Threonine

4,0

5,0

 

 II         PHÂN LOẠI VÀ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC

1          Phân Loại

Trên thế giới, mè được trồng là Sesamun indicum L. có số lượng nhiễm sắc thể 2n = 26, ngoài ra còn có S. Capennsen, S. alanum, S. chenkii, S. Laniniatum có 2n = 64.

Mè có nhiều giống và nhiều dòng, khác nhau về thời gian sinh trưởng, màu sắc của hạt và dạng cây.

Một giả thuyết cho rằng có một đoàn du khảo của Liên Xô đi khắp thế giới đã thu được 500 mẫu, chia ra 111 dạng khác nhau nhưng nói chung hiện nay phân loại mè dựa vào một số đặc tính thực vật như sau:

- Thời gian sinh trưởng: phân loại giống có thời gian sinh trưởng dài ngày (trên 100 ngày) hoặc giống sinh trưởng ngắn ngày (dưới 100 ngày). Cách phân loại này rất quan trọng khi chọn giống để luân canh với cây trồng khác như lúa, bắp, đậu, khoai...

- Số khía trên trái mè: phân loại các giống mè bốn khía, sáu khía, tám khía, phân loại naöy dùng để chọn cỡ hạt nhỏ lại.

- Trái bị nứt khi thu hoạch hay không bị nứt: phân loại này giúp cho việc thu hoạch được đồng loạt hay không vì những giống không nứt trái khi thu hoạch không bị nứt hạt.

- Màu hạt: đây là cách phân loại phổ biến nhất. Phân biệt hai loại mè:

Mè đen (Sesamun indicum L.)

            Mè vàng (Sesamun orientalis L.)

Mè đen cho màu có phẩm chất tốt và hàm lượng dầu cao hơn mè trắng (nhất là mè đen một vỏ), mè đen có giá trị xuất khẩu cao hơn mè trắng.

Vỏ hạt phân biệt mè một vỏ với mè hai vỏ, vì mè một vỏ cho dầu cao hơn mè hai vỏ.

Ngoài các cách phân loại trên, người ta còn phân loại mè theo thời vụ trồng, số hoa ở nách lá, sự phân cành trên thân.

Một số giống được trồng phổ biến hiện nay:

* Nhóm mè vàng

- Mè vàng An Giang: trổ hoa 30 ngày sau khi trồng phân cành ít (2-3 cành trên cây), thân màu xanh, chiều cao khoảng 80cm, thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 85 ngày. Năng suất bình quân 1,2 tấn/ha, giống này có sáu hoa, trái có tám khía, trồng phổ biến ở vùng Châu Phú (An Giang).

- Mè vàng Miền Đông: trổ hoa 30 ngày sau khi trồng, phân cành trung bình (4 cành/cây), thân màu xanh đậm, chiều cao thấp (70 cm), thời gian sinh trưởng ngắn (80 ngày), năng suất khá cao (1,5 tấn/ha). Giống trồng phổ biến ở Đồng Nai, Sông Bé trên vùng đất cao, trái có bốn đến tám khía.

- Mè vàng Cồn Khương: Trổ hoa ngày thứ 35 sau khi trồng, phân cành 4-6 cành/cây), chiều cao 90 cm, thời gian sinh trưởng 75 ngày, năng suất 1,4 tấn/ha. Trồng phổ biến ở Cồn Khương (Cần Thơ), trái có bốn đến sáu khía.

* Nhóm mè đen

- Mè đen Trà Ôn: trổ hoa ngày thứ 35 sau khi gieo, phân cành nhiều (4-6 cành/cây), chiều cao 90 cm, thời gian sinh trưởng 95 ngày, năng suất khá cao (1,4 tấn/ha). Trồng phổ biến ở Trà Ôn (Vĩnh Long), trái có từ 4 đến 6 khía.

- Mè đen Campuchia: nhập từ Ấn Độ, phân cành rất nhiều, có cả cành cấp hai mang trái, chiều cao từ 90 - 100cm, thời gian sinh trưởng 100 ngày, năng suất cao nhất trong các giống (1,6 tấn/ha), tuy nhiên hạt có nhiều màu sắc khác nhau (có cả đỏ, trắng, nâu), rất khó khi chọn hạt để xuất khẩu.

2          Đặc điểm sinh học

2.1       Rễ

Thuộc loại rễ cọc, rễ chính ăn sâu. Đồng thời hệ rễ bên của mè cũng rất phát triển về bề ngang. Rễ mè phân bố chủ yếu ở lớp đất từ 0 - 25 cm. Nếu mè ở vùng đất cát, vùng khô hạn, rễ cái có thể ăn sâu từ 1m đến 1,2 m để tìm nguồn nước ngầm.

Nhiều thí nghiệm cho thấy tốc độ ra rễ của mè rất chậm, kém hơn đậu phộng, bắp. Đây là vấn đề cần lưu ý khi trồng xen mè với các cây trồng này.

            Trên đất cát, rễ mọc tốt hơn trên đất sét và không chịu ngập trong thời gian ngắn.

Đặc tính của rễ mè phát triển kém nên dễ bị đổ ngã khi có mưa to gió lớn. Vì vậy khi trồng mè, chú ý phải vun gốc, xẻ rãnh để thoát nước (nhất là trồng vào mùa mưa).

2.2       Thân

Thân mè thuộc thân thảo, thân thường có hình 4 cạnh với những tiết diện vuông và những rãnh dọc. Tuy nhiên, có những dạng thân rất rỗng hình chữ nhật. Thân có thể tròn, trên thân có nhiều lóng hoặc ít lóng. Đặc tính này cũng để phân biệt giống. Màu sắc của thân thay đổi từ màu xanh nhạt đến màu tím, phổ biến nhất là màu xanh đậm. Thân cao từ 60-120 cm. Trong điều kiện hạn, thân có thể thấp hơn, nhưng cũng có giống đạt đến 3m.

Số lượng cành trên cây phụ thuộc chủ yếu vào giống, thường có khoảng 2 - 6 cành. Cành mọc từ các nách lá gần gốc.

Mức độ phân cành thực sự là tốc độ sinh trưởng chung của cây, trực tiếp bị ảnh hưởng của môi trường mật độ, lượng mưa, độ dài ngày.

Các dạng thân ngắn đâm cành ít thường chín sớm, cây cao thường chín trễ và có khuynh hướng chịu hạn khá hơn. Các giống dài ngày thường phát triển chậm ở giai đoạn cây con, nhưng tăng trưởng nhanh ở giai đoạn sau.

2.3       Lá

Lá mè rất biến đổi về dạng và kích thước trên cùng một cây và giữa các giống. Lá dưới thường rộng đôi khi có thùy, mép (rìa) hình răng cưa hướng ra ngoài lá giữa thường nguyên hình móc, đôi khi răng cưa lá trên hẹp hơn. Lá mọc đối hay luân phiên tùy giống, cách sắp xếp lá ảnh hưởng đến số hoa mang trên nách lá và năng suất hạt trên cây. Lá mọc đối tạo diều kiện có nhiều hoa. Kích thước của lá thay đổi từ 3 -17,5 cm chiều dài và 1-1,5 cm chiều rộng. Lá có màu xanh đậm, xanh nhạt tùy thuộc vào giống. Mặt trên của lá có lông tơ bao phủ. Theo nhiều thí nghiệm cho thấy tốc độ dẫn nước của lá mè không mở quả nhanh hơn lá mè mở quả. Do đó, những vùng thiếu nước thì không thích hợp cho giống mè mở quả.

 2.4       Cành

Xuất phát từ thân chính, cành có thể mọc cách hay mọc đối nhau, cành sẽ mang hoa và trái, trên các cành chính còn có cành cấp hai. Sự phân cành trên thân chính cũng là một yếu tố để phân biệt các giống mè, thường màu của cành trên thân giống như thân chính.

2.5       Hoa

Hoa mè thuộc hình chuông. Cuống hoa ngắn, tràng hoa gồm 5 cánh hợp thành hình chuông.

Đài hoa màu xanh, 5 cánh cạn. Ống hoa dài 3 - 4 cm. Hoa mọc ở nách lá thành chùm. Mỗi chùm có 4 - 8 hoa. Nhị đực 5 nhưng có 1 bất dục. Bầu nhụy nằm trên đài hoa, có 2 ngăn với nhiều vách giả.

 

2.6       Quả

Là một loại quả nang, tiết diện hình chữ nhật, có rãnh sâu, có đầu nhọn hình tam giác ngắn. Hình dạng của quả cũng là một yếu tố để phân biệt các giống. Chiều dài trái thay đổi từ 2,5 - 8cm, đường kính trái thay đổi từ 0,5-2 cm số vách ngăn từ 1-12 trái thường có lông tơ bao phủ. Trái mở ra bằng cách chẻ dọc vách ngăn từ trên xuống. Mức độ mở trái là đặc tính quan trọng khi chọn giống để trồng cho phù hợp với điều kiện thu hoạch.

Chất lượng quả cũng khác nhau tùy vị trí đóng quả. Thường quả ở vị trí thấp có hạt lớn hơn ở vị trí cao.

2.7       Hạt

Hạt mè là hạt song tử diệp. Cấu tạo hạt có nội phôi nhủ.

Hạt mè nhỏ thường có hình trứng hơi dẹp trọng lượng 1000 hạt từ 2 - 4 g. Vỏ láng hoặc nhăn màu đen, trắng, vàng, nâu đỏ hay xám, cũng có hạt màu xám nâu, xanh olive và nâu đậm. Hạt mè tương đối mảnh và chứa rất nhiều dầu, do đó, dễ mất sức nảy mầm sau khi thu hoạch. Một số giống mè có tính miên trạng kéo dài đến 6 tháng sau khi thu hoạch. Giống có trái nhiều khía thì hạt nhỏ hơn giống có trái ít khía.

III       SỰ SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA MÈ

Thời gian sinh trưởng của mè biến động từ 75 - 120 ngày. Thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng của mè kéo dài 40 - 60 ngày tùy thuộc vào giống và điều kiện ngoại cảnh. Điều kiện ngoại cảnh ảnh hưởng lớn đến thời gian của thời kỳ này là nhiệt độ và độ dài ngày.

Trong thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng, quá trình sinh lý quan trọng nhất của mè là sự sinh trưởng của các bộ phận dinh dưỡng và sự phân hóa mầm hoa. Thời kỳ sinh trưởng phát triển đặc trưng là sự ra hoa, kết quả, hình thành hạt và chín.

Mè ra hoa trong khoảng thời gian 15 - 20 ngày

Tốc độ tăng trưởng của quả rất nhanh, quả phát triển tối đa trong khoảng 9 ngày sau khi nở hoa mặc dù quả còn tiếp tục phát triển trong 24 ngày, trong thời kỳ chín trọng lượng khô của quả đạt tối đa vào khoảng ngày thứ 27 sau khi hoa nở . Quả chín hoàn toàn vào khoảng 35 - 40 ngày.

IV       ĐIỀU KIỆN SINH THÁI

4.1       Nhiệt độ

Vì cây có nguồn gốc nhiệt đới. Tổng tích ôn của mè khoảng 2.700oC cho thời gian sinh trưởng 3 - 4 tháng nhiệt đô trung bình thích hợp khoảng 25 - 30oC. Nhiệt độ thích hợp cho hạt nảy mầm, sinh trưởng, các bộ phận dinh dưỡng và sự hình thành hoa khoảng 25 - 27oC. Nhiệt độ thích hợp cho sự nở hoa và sự phát triển quả vào khoảng 28 - 32oC. Nếu nhiệt độ dưới 20oC kéo dài thời gian nảy mầm. Nhiệt độ dưới 18oC sẽ gây khó khăn cho sự phát triển và nếu nhiệt độ dưới 10oC cây ngừng phát triển và chết.

Nhiệt độ cao trên 40oC vào thời gian ra hoa sẽ cản trở sự thụ phấn, thụ tinh, tăng tỷ lệ hoa rụng và do đó làm giảm số hoa.

4.2       Ánh Sáng

Mè là cây ngày ngắn. Trong điều kiện thời gian chiếu sáng dưới 10 giờ/ngày sẽ rút ngắn thời gian sinh trưởng dinh dưỡng của mè. Mè sẽ ra hoa sớm hơn 15 - 20 ngày trong điều kiện tự nhiên (12giờ/ngày).

Cường độ ánh sáng, số giờ nắng số giờ nắng trong ngày ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất của mè. Trong thời gian sinh trưởng, nhất là sau khi trổ hoa, mè cần khoảng 200 - 300 giờ nắng/tháng cho tới khi trái chín.

Một số kết quả nghiên cứu cho thấy: Cường độ ánh sáng trong thời gian kết quả đến khi chín 28.000 lux thích hợp nhất cho quá trình hình thành dầu. Hàm lượng dầu trong hạt giảm 8% nếu cường độ ánh sáng giảm xuống 7.000 lux.

4.3       Nước

Là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến năng suất mè. Mè tương đối chịu hạn nhưng cho năng suất thấp, khi đất có ẩm độ dưới 70%. Mè ít cần nước mưa, mè cho năng suất cao ở lượng mưa 500 - 650mm. Trong điều kiện có tưới tổng lượng nước cần lên tới 900 - 1000mm.

Mè yêu cầu lượng nước phân bố đều trong vụ: Thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng 34%; thời kỳ ra hoa kết quả 45%; và thời kỳ chín là 21%. Độ ẩm đất thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển và cho năng suất của mè khoảng 70 - 80%.

Tuy nhiên mè có khả năng chịu hạn khá. Các tài liệu nghiên cứu cũng như trong thực tiễn sản xuất cho thấy mè có thể cho năng suất trong điều kiện lượng mưa 200 - 300mm phân bố đều trong vụ.

Mưa lúc thu hoạch sẽ làm phẩm chất mè giảm do nhiễm bệnh. Mè rất dễ mẫn cảm với nước, nếu mưa liên tục sẽ làm cây đổ ngã và chết. Trong lúc gieo hạt, mưa nhiều hạt sẽ không nảy mầm.

4.4       Cao độ

Mè thích hợp ở độ cao dưới 1.250m tuy nhiên vẫn thấy có những trường hợp trồng ở độ cao khoảng 1.000m, mè trồng ở vùng này thường cây nhỏ, không phân cành, chỉ có một hoa ở dưới nách lá, do đó năng suất thấp.  

Ở Ấn Độ và Venezuela, người ta thấy cùng một giống nếu đem trồng ở nhiều nhiệt độ cao khác nhau thì càng lên cao năng suất càng giảm.

4.5       Gió

Mè rất dễ bị thiệt hại do gió, nhất là khi thân chính phát triển, gió cũng làm cho mất hạt khi trái bị nứt. Do đó, khi chọn thời vụ trồng mè nên tránh vào thời gian mưa to gió lớn. Ở Pháp người ta không đưa mè trồng ở miền Nam vì một trong những lý do vùng này có gió mạnh. Ở thung lũng Kasmia của Ấn Độ, mè bị thiệt hại nặng do gió mạnh từ miền núi thổi qua. Do đó khi canh tác mè thường chọn những giống có lóng ngắn, chiều dài của thân tương đối ngắn có thể cho nhiều trái, chú ý cần phải vun gốc cho cây.

4.6       Đất

Mè phát triển được trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng phát triển tốt nhất là trên loại đất phì nhiêu, thoát thủy tốt. Cơ cấu đất không quan trọng bằng khả năng thoát nước, cây sẽ chết nếu nước ngập kéo dài, nhất là thời kỳ sinh trưởng đầu. Tính thích nghi của mè ở nhiều loại đất đã được đề cập đến từ lâu. Cách đây nhiều thế kỷ, người Roma cho rằng: mè yêu cầu đất phải tơi xốp, đất giàu dinh dưỡng.

Các loại đất cát, cát pha có pH từ 5,5 đến 8 đều trồng mè được, nhưng tốt nhất là pH = 6. Âøm độ thích hợp nhất là 70%. Đối với Đồng Bằng Sông Cửu Long như An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, một số vùng ven Thành Phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung là nơi thích hợp phát triển mè. Mè rất thích hợp với đất phù sa ven sông như Cồn Khương (Cần Thơ), ở Châu Phú (An Giang) do phù sa bồi đấp sau vụ lúa nổi, trồng mè thường cho năng suất cao.

V         KỸ THUẬT CANH TÁC

5.1       Thời vụ

a. Vụ đông xuân

Gieo từ tháng 12-1dl (sau khi nước rút) thu hoạch tháng 2-3 dl, vụ này cho năng suất cao nhất trong năm.

Mè trồng vụ Đông Xuân có điều kiện thuận lợi phơi hạt dễ dàng. hạt có màu sáng đẹp, không bị nấm mốc tấn công làm biến dạng hạt, do đó giá trị kinh tế cao.

Trồng vụ này, cây không bị đổ ngã, ít sâu bệnh, không ngập úng.

b. Vụ hè thu

Thường được trồng trên đất rẫy để tránh bị úng khi mưa nhiều, bắt đầu gieo vào tháng 4-5 dl thu hoạch vào tháng 6-7 dl. Vụ naöy năng suất thấp nên chỉ trồng trên đất rẫy lấy giống cho vụ sau.

5.2       Sửa soạn đất

Có hai cách sửa soạn đất để trồng mè tuỳ theo cách trồng:

5.2.1   Không làm đất

Luân canh với lúa nổi như ở vùng Châu Phú (An Giang) không cần sửa soạn đất. Trước hoặc sau khi thu hoạch lúa nổi, sạ mè trên đất còn ẩm độ nhờ rạ lúa nổi che phủ, hạt nảy mầm phát triển, trồng theo phương thức này khó chăm sóc, không tưới nước và bón phân nên năng suất không cao.

Hiện nay một số vùng canh tác mè trên nền đất lúa cao sản như Ô Môn, Thốt Nốt không cần sửa soạn đất. Sau khi thu hoạch lúa xong cho nước vào ruộng từ 1 đến 2 ngày đến khi độ ẩm của đất đạt từ 70 - 80%, tháo nước ra và tiến hành sạ mè phương pháp nầy cũng không cẩn làm đất.

5.2.2   Làm đất

Hạt mè rất nhỏ do đó cần làm đất kỹ vì nếu không làm đất kỹ, sạ không đều, hạt sẽ bị vùi lấp. Cần cày sâu 25m, bừa lại nhiều lần cho đất nhuyễn trước khi sạ để hạt mè dễ tiếp xúc với đất, cây mọc tốt. Ở các chân ruộng thấp, nên lên líp cao 30cm rộng 1m, rãnh rộng 40cm để thoát nước (nhất là trồng vào mùa mưa).

5.3       Giống

Tùy theo mục đích sau khi thu hoạch để chọn giống trồng. Những giống mè vàng dễ tiêu thụ trong nước hơn mè đen, nếu xuất khẩu, mè đen có giá trị cao hơn mè vàng, mè đen một vỏ giá trị cao hơn mè đen hai vỏ.

5.3.1   Mè đen

* Đặc điểm:

- Có thời gian sinh trưởng dài.

- Thân cao 160cm cũng có giống cao 2 -3 m.

- Giá trị xuất khẩu cao hơn mè trắng, nhất là mè đen một vỏ.

- Thích hợp trồng ở vùng núi (độc canh cây mè) ít sâu bệnh tấn công, hiện nay có một số giống mè đen: Mè đen Trà Ôn và mè đen Cồn Khương có thời gian sinh trưởng 90 ngày, năng suất 1,5 tấn. Hai giống naöy có năng suất ổn định, tiêu biểu cho địa phương. Mè đen Ấn Độ thời gian sinh trưởng 85 - 90 ngày, năng suất cao 1,6 tấn nhưng giá trị kinh tế không cao do bị phân ly hạt có nhiều màu đỏ, đen, nâu.

5.3.2   Mè trắng

* Đặc điểm:

Thời gian sinh trưởng ngắn hơn mè đen, cây cao từ 0,6 đến 1,2m.

Giống được trồng phổ biến ở An Giang và Cần Thơ là mè trắng Thuận Hải, thời gian sinh trưởng chỉ có 75 ngày, dễ tiêu thụ nội địa, sâu bệnh ít tấn công có thể trồng trong hệ thống luân canh. Ngoài ra còn có mè trắng An Giang, mè trắng Miền Đông.

 

5.4       Sử dụng phân bón và cách bón phân

5.4.1   Phân bón

Mè cần phân bón để phát triển, nhất là trên các loại đất nghèo dinh dưỡng nhưng nhu cầu ít hơn các loại cây trồng khác. Một số giống mè địa phương đã thích nghi, không cần phải bón phân khi trồng. Tuy nhiên, năng suất không đạt tối đa so với giống mè có bón phân và chăm sóc tốt.

- Phân đạm: đạm giúp cho cây phát triển tốt trong điều kiện đất canh tác nghèo dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu bón nhiều đạm, cây dễ bị nhiễm bệnh. Khi bón đạm phải cân đối với lân. Bón thúc đạm là biện pháp làm gia tăng năng suất mè.

- Phân lân: lân giúp cho cây hấp thu đạm và phát triển cân đối, sự hấp thu lân, đạm và kali có liên quan đến sự phát triển tốt của cây. tuy nhiên, nhiều vùng đất trồng mè không cần phải bón phân vì trong đất vì trong đất còn lượng lân để cho cây phát triển.

- Phân kali: qua phân tích trái cho thấy, hàm lượng kali cao trong trái, là loại cây cho dầu nên kali rất cần cho cây. Tuy nhiên, nhiều vùng đất trồng mè không cần bón vì trong đất còn lượng kali đủ cho cây phát triển (Vùng lúa nổi, đất phù sa ven sông).

- Phân vi lượng: mè ít cần các loại phân vi lượng, nhiều thí nghiệm cho thấy mè cần các loại phân đa lượng như: đạm, lân và kali.

5.4.2   Bón phân

Để đạt năng suất mè cao phải bón phân. Lượng phân bón mè lấy đi từ đất khá lớn. Theo kết quả nghiên cứu (ở Venezuela), để đạt năng suất mè 500kg/ha, mè lấy đi từ đất 25kg N; 3kg P và 25 kg K. Thời kỳ hấp thu dinh dưỡng lớn nhất là khoảng 40 - 70 ngày tuổi tương ứng với thời gian ra nụ thành lập quả và tạo hạt (đối với giống có thời gian sinh trưởng là 90 ngày).

Bón phân cho mè phải sử dụng phân dễ tiêu và bón sớm. Nhất là trong điều kiện sử dụng phân hữu cơ.

Qua thí nghiệm cho thấy, áp dụng công thức phân 60 -60-30 và 90-60-30 giữa hai công thức naöy không có sự khác biệt. Do đó có thể sử dụng công thức 60-60-30. Riêng ở vùng thâm canh mè như Châu Phú, người ta thường sử dụng công thức 90-60-30.

Lượng phân bón có thể chia làm hai hoặc ba lần bón tùy theo thời gian sinh trưởng của từng giống.

Đối với những giống có thời gian sinh trưởng 80-90 ngày thường bón hai lần:

- Bón lót 1 ngày trước khi gieo 1/2 đạm toàn bộ lân và kali.

 - Bón thúc 1/2 đạm còn lại 30 ngày sau khi gieo.

Đối với những giống có thời gian sinh trưởng trên 90 ngày chia làm ba lần bón.

- Bón lót 1/3 đạm và toàn bộ lân và kali một ngày trước khi gieo.

- Bón thúc 1/3 đạm 30-35 ngày sau khi gieo.

- Bón thúc 1/3 đạm 45-50 ngày sau khi gieo.

Thường bón đạm cho cây chỉ có 60-70% cây hút đạm còn 30-40% mất đi do rửa trôi, trực di, bốc hơi nên chia làm nhiều lần bón cây dễ hấp thụ hơn.

5.4.3   Cách bón

- Bón theo hàng

- Bón theo hốc.

- Mè trồng rất dày nên tốt nhất là bón bằng cách bỏ vào nước, tưới vào gốc.

6          Gieo hạt

- Hạt trước khi gieo phải xử lý hột với Copper-zinc hoặc Copper-B nồng độ 2% trộn đều vào hạt. Có hai cách là sạ và gieo theo hàng.

6.1       Sạ

Trên những chân ruộng lúa nổi, sạ trước hoặc sau khi thu hoạch lúa. Để đảm bảo cho mè được sạ đều, nên trộn hạt giống với cát theo tỷ lệ 2 cát/1 mè. Lượng hạt giống cần dùng là 8-18 kg/ha. Sạ xong dùng chà tre kéo ngược gió để hạt mè rơi đều xuống đất. Ba ngày sau khi sạ hạt bắt đầu nảy mầm. Lúc này nên tránh bơm nước và giữ cho ruộng khô, nếu cho nước vào thì mè sẽ bị thối hoàn toàn.

6.2       Gieo theo hàng

- Mật độ ảnh hưởng đến năng suất rất lớn, nếu gieo dày quá thì cây mọc ốm yếu, cho trái ít. Nếu gieo thưa quá thì cây bị đổ ngã. Khoảng cách tốt nhất là 40 x 20cm sau khi gieo tỉa còn 2 cây/ hốc, mật độ vào khoảng 25.000 cây/ha thì sẽ cho năng suất cao nhất.

- Lượng hạt giống cần để gieo 4 - 5 kg/ha, thường gieo 4 - 5 hạt trên hốc sau đó nhổ tỉa còn 2 cây/hốc.

7          Chăm sóc

7.1       Tưới tiêu nước

Tuy mè không cần nước nhưng thiếu nước năng suất không cao, do đó trồng vào vụ Đông Xuân cần phải cung cấp nước đầy đủ, nhất là khi bón phân cho mè, tưới bảo đảm 50% thủy dung ngoài đồng. Mè cần nhiều nước từ khi gieo đến ra hoa đầu tiên. Sau đó giảm dần và ngưng tưới nước khi có trái chín đầu tiên.  

Trên đất có điều kiện thoát nước tốt, có thể tưới tràn sau đó cho nước rút nhanh qua các rãnh, đất thoát nước kém nên dùng thùng tưới. Mè là cây chịu úng kém nên trồng vào mùa mưa phải xẻ rãnh thoát nước.

7.2       Làm cỏ vun gốc bón phân

Cỏ dại phát triển rất nhanh (từ 7-10 ngày sau khi gieo). Rễ mè phát triển rất kém dễ bị đổ ngã, do đó có thể kết hợp làm cỏ vun gốc các lần bón phân.

7.3       Tỉa cây

Sau khi làm cỏ, vun gốc, bón phân tỉa bỏ cây xấu chỉ để 2 cây/hốc đảm bảo mật độ 250.000 cây/ha.

7.4       Tủ rơm

Đối với mè trồng thuần, sau khi sạ cần tủ rơm để bảo đảm độ ẩm trong đất và đỡ tốn công tưới.

7.5       Phòng trừ sâu bệnh

7.5.1   Sâu

. Sâu ăn trái: đục vào trái làm cho trái bị hư, sau đó các loại nấm khác tấn công làm hư hạt.

• Sâu ăn tạp: ăn phần mô diệp lục trên lá.

• Bọ xít xanh: chích hút trên lá.

• Cào cào: xuất hiện rãi rác ăn lá

Có thể phòng trị bằng các loại thuốc thông thường như: DDVP, Thiodan . . .

7.5.2   Bệnh

Hầu hết các loại bệnh xảy ra trên lá và trên thân.

• Bệnh héo tươi: do nấm Fusarium oxysporium f. sesami gây ra, nấm này thường làm chết cây con. Do đó phải xử lý hạt trước khi gieo bằng CuSO4 hoặc Copper-zin, nồng độ 2%, nếu trị bệnh dùng Copper-B để trị.

• Đốm lá: do vi khuẩn Pseudomonas sesami tấn công, làm cho lá có những đốm trắng viền vàng, sau đó bị thủng, lá bị rụng có thể dùng Copper-B để trị.

• Đốm phấn: do nấm Oidium sp gây nên, bệnh lan truyền rất nhanh, phòng trị bằng Afugan 30 EC.

• Bệnh khảm: đây là bệnh quan trọng khi trồng mè, do rầy xanh truyền các virus gây ra xoắn lá. Bệnh khó trị, do đó phải diệt tác nhân là rầy.

8          Thu hoạch  

Mè ra hoa kết trái suốt thời gian sinh trưởng, do đó xác định thời gian thu hoạch đúng lúc sẽ làm hạn chế mất hạt do nứt trái, hạt rơi xuống đất. Thu hoạch khi thấy lá bên dưới vàng và trái có những đốm đen nhiều.

Khi thu hoạch có thể dùng dao, lưỡi hái cắt sát gốc, cũng có nơi người ta nhổ mè bằng tay, xong bó thành từng bó, dựng chụm đầu bó lại để phơi trên ruộng 3-4 nắng. Nếu trồng diện tích ít đem về nhà ủ, treo lên cho lá rụng bớt một phần và đem phơi trên sân xi măng hoặc đem phơi vài nắng, khi mè bắt đầu khô dùng cây quất nhẹ trên thân trái nứt hạt sẽ rơi ra ngoài. Nếu dùng hạt làm giống chỉ phơi nơi thoáng mát.

Chú ý: Trong suốt thời gian thu hoạch, nếu không khéo, có những giống mất 75% do thu hoạch trễ. Nhưng nếu thu hoạch đúng, cũng có những giống mất 10% năng suất do các thao tác thu hoạch phơi gom.

9          Tồn trữ

Sau khi thu hoạch, loại bỏ các tạp chất để tồn trữ.

• Nếu tồn trữ làm giống cho mùa sau, phải giữ mè trong chai, lu hũ, bên trong đựng hạt giống, bên trên có một lớp tro trấu để hút ẩm. Chú ý lấy những trái ở giữ cây để làm giống.

• Nếu thu hoạch để bán hạt, chỉ cần đựng vào các bao đay để nơi thoáng mát.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Môn cây công nghiệp, 1968. Cây vừng. NXB Nông nghiệp

Bộ môn Cây Công Nghiệp, Cây Vừng, Cây Thầu Dầu.

2. Đặng Văn Phú, 1981. Cây Vừng NXB Nông Nghiệp

Sổ tay kỹ thuật Cây Công Nghiệp NXB Nông nghiệp

3. Đặng Kim Sơn, 1986. Các hệ thống sản xuất Nông Nghiệp ở ĐBSCL. NXB Nông nghiệp.

4. Đinh Văn Lữ, Lê Song Dự, Lê Mạnh Trinh và Phạm Văn Côn: 1970. Thâm canh cây Vừng NXBKHKT Hà Nội.

5. Phạm Hữu Trinh, Vũ Đình Thắng và Trần Thị Mai: 1986. Cây Mè . Phan Hữu Trinh chủ biên. Cây Hoa Màu Xuất Khẩu.

6. Puraglove, J. W. 1968. Sesame Intropical crops Dictyledons. Longman.

7. Ủy Ban Khoa Học Kỹ Thuật An Giang, 1990. Kỹ thuật sạ mè. NXBKHKT An Giang

8. Trường Đại Học Nông Nghiệp 1. Hà Nội. Cây Công nghiệp. Nhà xuất bản Nông Nghiệp

 Tài liệu này có tại trang web Trường Đại học Cần Thơ

 

 

Số lần xem trang: 3354
Điều chỉnh lần cuối: 02-02-2011

Trang liên kết

Chào bạn !
X

Xin mời bạn đặt câu hỏi !

Họ tên
 
Email /Fb/Điện thoại:

Nội dung:

Số xác nhận : sáu sáu tám hai sáu

Xem trả lời của bạn !